THẦY-TRÒ, TRÒ-THẦY VÀ CÂU CHUYỆN KHÁT TRI THỨC
Câu chuyện về người giáo sư đáng kính với hàng trăm công trình nghiên cứu diện quần đùi hoa trên giảng đường những ngày vừa qua cứ làm tôi suy nghĩ mãi về cách thức và phương tiện để chúng ta có thể đạt được mục đích mà từ lâu ta đang hướng tới : Đổi mới giáo dục.
Giáo dục không còn là phấn trắng, bảng đen và bục giảng cao vời vợi. Công nghệ thông tin và truyền thông cùng những phát kiến mới đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ thầy-trò cũng như vai trò của mỗi bên :
Thầy trò có thể đồng thời là cộng sự, cùng thảo luận với nhau trên Facebook, twitter và việc học được thực hiện thông qua đó. Đôi khi, trò cũng có thế là thầy, thầy cũng có thể là trò. Điều quan trọng, ấy là chúng ta cùng khát học.
Trò, những đứa trẻ thuộc thế hệ i-generation mới là người quyết định mình sẽ học gì, học bao giờ và học ở đâu.
Thầy, ở thời đại này, sẽ đóng vai trò là người giải đáp thắc mắc cũng như dẫn dắt về phương pháp học tập, nghiên cứu và làm việc bằng nhiều cách thức cùng giáo cụ khác nhau, trong đó có thể kể đến chiếc quần đùi hoa nọ (Mặc dù về mặt thời trang mà nói, tôi không đánh giá cao cách phối màu của giáo sư. Giá mà quần hoa to màu xanh denim hot trend xuân hè 2017 nhẽ sẽ ấn tượng hơn ahihi)
Ấy là nói về phương pháp và giáo cụ ở bậc đại học.
Còn ở bậc mầm non, tiểu học và THCS, một trong những giáo cụ hấp dẫn khác phải kể đến là sách thông minh. Những ngày cuối tháng 4, nhân tháng có ngày sách Thế Giới và ngày sách Việt Nam, hãy nghe tôi kể câu chuyện nhỏ về những giáo cụ thông minh và về ước mơ ươm mầm những đứa trẻ khát tri thức.
Ước mơ nhỏ và “cứ làm bừa đi”
Trong một buổi chiều cuối năm 2016, tôi có cơ hội được gặp chị Lan, chị gái của một đối tác. Chúng tôi ngồi cùng nhau trong góc quán bánh ngọt trên đường Lê Thánh Tông. Trong những câu chuyện bên lề công việc, chúng tôi, cùng là những người mẹ, bắt đầu chia sẻ về những đứa con. Chúng tôi đã nói với nhau về những khó khăn trong việc kèm cặp, hối thúc con tự giác học, về việc tìm chỗ cho con học ngoại ngữ và xa vời hơn nữa là câu chuyện về những công dân toàn cầu.
“Xuất phát từ nhu cầu của cá nhân, chị có một ước mơ giản dị. Đó là có thể tạo ra một cộng đồng nho nhỏ tập hợp những người làm cha, làm mẹ biết trân trọng tri thức và đang có con trong độ tuổi đến trường. Ở đó, mọi người sẽ cùng quan tâm và chia sẻ về các vấn đề xoay quanh việc giúp con học tập. Phải làm sao để bọn trẻ thích tự tìm tòi, học hỏi.”, chị xoay xoay cốc cafe trên bàn.
Chúng tôi đều hiểu, giấc mơ về những đứa trẻ khát tri thức và tự học một cách vui vẻ, xa hơn nữa là giấc mơ về một xã hội học tập chỉ có thể dễ dàng thành hiện thực nhờ học liệu thú vị, trong đó có sách.
“Chị nghĩ mình có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa”, người phụ nữ nhỏ bé ngồi trước mặt tôi cười lấp lánh. Tới bây giờ, tôi mới dám thú thực, tại thời điểm ấy, cảm giác của tôi khi nghe chị quả quyết y như lúc tôi nghe cô con gái 3 tuổi nói : “Mẹ, con nghĩ con có thể làm cô bộ đội”.
Bị guồng công việc cuối năm cuốn đi, tôi quên bẵng câu chuyện bên ly cafe buổi chiều hôm ấy. Hơn hai tuần sau, chị Lan gọi điện cho tôi, hào hứng kể chuyện. Chị bảo trong chuyến công tác Hong Kong vừa rồi, chị có mua cho con một vài cuốn sách. Chị không thể ngờ được rằng chúng yêu những cuốn sách ấy tới mức ôm cả lên giường đi ngủ. Chúng đọc sách cho nhau nghe, lật giở từng miếng bìa và reo lên với một sự thích thú mà chị chưa từng nhìn thấy. Sau đó, chị muốn tặng thêm sách cho vài đứa cháu nên đi khắp các hiệu sách ở Hà Nội để tìm mua. Thế nhưng, tìm mỏi mắt mà chị không thấy chỗ nào bán những cuốn sách tương tự. Sách đặt trên mạng cộng thêm tiền vận chuyển thì chi phí bị đội lên rất cao.
“Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng, chị đã liên hệ được với các NXB ở Anh và Úc. Họ đã đồng ý bán cho mình với mức giá bìa, thậm chí là thấp hơn, Nga ạ. Chị đã nhập hết gần 100 triệu tiền sách, 2 tuần nữa sách về”, chị nói như reo.
“100 triệu ? Chị mua nhiều vậy làm gì ?”, tôi la hoảng.
Chị Lan thành thật : “Tới tận bây giờ chị cũng chưa biết. Đơn giản chỉ vì rất nhiều cuốn sách chị thấy có ích. Và chị nghĩ có thể bạn bè, các bậc cha mẹ xung quanh chị cũng sẽ cần. Thế nên, chị đã quyết định rất nhanh.”
Gần một tháng sau, khi tôi chưa hết ngỡ ngàng về cuộc điện thoại đầu năm, chị tiếp tục thông báo đã mượn được một căn phòng nho nhỏ trong khuôn viên NXB Thế Giới. Chị sẽ sửa chữa góc nhỏ đó thành nơi giới thiệu và trao đổi sách ngoại văn cho bọn trẻ.
“Chị định kinh doanh sách à ? Sao chị quyết định vội vàng thế ? Chị đã có business plan chưa ? Chị nghiên cứu thị trường chưa ? Đối tượng của chị là ai ? Bao giờ chị khởi động dự án ?”, tôi hỏi dồn dập.
Chị bảo chị chưa tính toán gì cả. Tất cả những gì chị làm cho tới thời điểm hiện tại, thú thực, chỉ đơn giản là vì chị thích, chị nghĩ chị phải làm một điều gì đó và sức chị sẽ làm được. Tính toán, cân nhắc nhiều chỉ làm mình thêm dè dặt. Phải bắt tay vào thử làm trước đã. Trong quá trình làm, mình sẽ biết mình đúng hay sai.
Từ ngày quen nhau, chị Lan “nói-là-làm” không lúc nào ngừng làm tôi bất ngờ. Tôi bảo, lần này, chị cư xử thật chẳng giống một giám đốc tài chính. Chị cười khì và nói như Thomas Edison : “Cứ làm bừa đi. Trường hợp tệ nhất, mình cũng sẽ biết được rằng đây là một trong những hướng đi không hiệu quả”.
“Điều quan trọng, là bọn trẻ nâng niu sách”
Trưa hôm kia, vì tò mò, tôi ghé thăm “góc sách nhỏ” của chị Lan nằm khuất khuất, yên tĩnh sau hàng sấu già xanh mướt mát trên đường Trần Hưng Đạo. Hiệu sách mang hơi hướng Châu Âu cổ, đủ nhỏ xinh để cảm thấy ấm cúng. Từng cuốn sách được chọn lọc cẩn thận và xếp trang trọng trên giá. Góc sát cửa là những bộ trò chơi để tìm hiểu về lịch sử, khoa học. Góc sâu hơn bên trong là những cuốn sách to nhiều màu sắc và biết tự phát âm tiếng Anh khi tụi trẻ chạm tay vào hình.
Vừa lật giở, ve vuốt từng trang sách, chị vừa lẩm bẩm như tự nói với bản thân : “Hai, ba trăm nghìn một cuốn sách đắt quá em nhỉ. Mình đi làm lăn lộn vất vả mình biết, mỗi đồng tiền kiếm được, dù nhỏ nhất cũng đều xứng đáng được chi tiêu một cách thông minh, hợp lý. Nhưng để làm ra một cuốn sách là sự đầu tư không chỉ về tài nguyên mà còn là chất xám của biết bao con người. Thay vì chỉ được sử dụng một lần rồi chết trên giá sách, chị nghĩ mỗi cuốn sách có giá trị cả về giá tiền lẫn nội dung xứng đáng được kéo dài vòng đời và đến được tay nhiều người nhất có thể. Sách đọc chán,bọn trẻ có thể mang tới đây đổi quyển khác. Điều quan trọng là chúng học được cách quý trọng và nâng niu sách”.
Tôi lấy hai quyển sách tập đếm về cho Sóc và Miu. Chúng mừng rỡ, ôm cuốn sách vào lòng. Sáng hôm sau, chúng xin phép được mang hai cuốn sách tới lớp khoe bạn. Tôi nán lại ngoài cửa, ngó trộm vào lớp, thấy chúng tự dạy nhau học tính, tò mò lật giở các lá đáp án với một sự hào hứng, phấn khích không che giấu. Xã hội học tập, thậm chí là một đất nước giàu mạnh được xây dựng từ chính những niềm vui như thế này chứ chẳng ở đâu xa, tôi thầm nhủ. Tôi rút điện thoại ra inbox cho chị Lan : “Em sẽ cùng chị gieo những hạt mầm đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ này. Tương lai không xa, chúng ta có quyền hi vọng vào cả một mùa bội thu tri thức”.
#hocnuavahocmai
#xahoihoctap
#bluehorizon